Chế độ đãi ngộ là gì? 4 bước xây dựng đãi ngộ hấp dẫn

xay-dung-che-do-dai-ngo
Tầm quan trọng của việc xây dựng chế độ đãi ngộ

Nếu khách hàng là người đem lại doanh thu cho doanh nghiệp thì nhân viên chính là người giúp giữ chân khách hàng. Vậy nên, nếu muốn nhân viên gắn bó và hết lòng cống hiến thì ngoài việc quản lý nguồn nhân lực hiệu quả, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Vậy chế độ đãi ngộ là gì? Đâu là các bước để xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn? Mời bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Đãi ngộ là gì? Chế độ đãi ngộ là gì?

Đãi ngộ là việc một cá nhân được hưởng các quyền lợi tương xứng với những đóng góp của họ. Trong môi trường làm việc, đãi ngộ thể hiện các quyền lợi và phúc lợi mà người lao động được nhận, tương xứng với mức độ hoàn thành công việc và đóng góp của họ cho doanh nghiệp.

Chế độ đãi ngộ là tập hợp những quyền lợi (được quy định theo Luật Lao động) và các phúc lợi khác (theo chính sách của từng doanh nghiệp) mà người lao động được nhận.  

Mục đích của các chế độ đãi ngộ cho nhân viên là nhằm chăm lo cho người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ có động lực để cống hiến hết mình nhằm hoàn thành mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của xây dựng chế độ đãi ngộ cho nhân viên

1. Thu hút và giữ chân nhân tài. 

Hiện nay, câu chuyện tuyển dụng đã không còn như trước, không phải theo chiều doanh nghiệp chọn ứng viên mà là hai bên chọn nhau. 

Vậy nên, để thu hút và giữ chân nhân tài, doanh nghiệp phải trân trọng nhân viên như khách hàng. Và, chính sách đãi ngộ hấp dẫn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thu hút những cá nhân xuất sắc đến doanh nghiệp làm việc. 

2. Giảm thiểu số lượng nhân sự nghỉ việc.

Một doanh nghiệp có các chế độ đãi ngộ cho nhân viên tốt không chỉ thu hút người tài mà còn giảm thiểu tỷ lệ nhân sự nghỉ việc (Employee Turnover Rate). Lý do là vì họ cảm thấy doanh nghiệp thực sự trân trọng những đóng góp của họ. Từ đó, khả năng họ rời bỏ công ty để tìm “bến đỗ” khác sẽ thấp hơn.

Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo. Ngoài ra, tiến độ các dự án cũng ít bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp tạo dựng được đội ngũ nhân sự trung thành.

3. Nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ, nhân viên hài lòng với công việc sẽ có năng suất trung bình cao hơn 21% so với những người không hài lòng. 

Và, một trong những cách tốt nhất để nâng cao sự hài lòng của nhân viên, giúp họ có tinh thần thoải mái để làm việc hiệu quả chính là xây dựng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Lý do là họ không cần lo lắng về việc chi trả chi phí chăm sóc sức khỏe, tiết kiệm tiền hưu trí, chăm sóc con cái hoặc các vấn đề khác mà chính sách phúc lợi công ty đã chi trả. Vậy nên, họ sẽ có nhiều động lực làm việc để cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

4. Thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên.

Chế độ đãi ngộ hấp dẫn sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên. Họ sẽ cảm thấy công sức mình bỏ ra luôn được doanh nghiệp trân trọng. Từ đó, năng suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên sẽ tăng lên. Và khi họ hài lòng về doanh nghiệp, họ sẵn sàng “quảng cáo” miễn phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ thu hút những ứng viên tiềm năng trong lần tuyển dụng tới.

5. Tạo môi trường làm việc tích cực.

Một nghiên cứu của Harvard Business Review cho thấy nhân viên hài lòng với công việc, nhiều khả năng sẽ có tinh thần làm việc cao hơn, dẫn đến tinh thần đồng đội tốt hơn, gia tăng sự hợp tác và ra quyết định hiệu quả hơn.

Xét cho cùng, việc cung cấp chính sách đãi ngộ hấp dẫn sẽ giúp nhân viên cảm nhận được sự quan tâm mà doanh nghiệp dành cho họ. Điều này có thể cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên, từ đó, tạo nên một môi trường làm việc tích cực hơn. 

moi-truong-lam-viec-ly-tuong
Điều gì tạo nên môi trường làm việc lý tưởng?

Các chính sách đãi ngộ nhân viên phổ biến hiện nay

Chính sách đãi ngộ nhân viên có thể được chia thành hai nhóm cơ bản là: Đãi ngộ tài chínhĐãi ngộ phi tài chính.

Đãi ngộ tài chính

1. Tiền lương

Lương là vấn đề được người lao động đặc biệt quan tâm trong chính sách đãi ngộ của công ty.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách 3P để trả lương cho nhân viên, vừa tối ưu hiệu quả vừa đảm bảo công bằng cho nhân sự.

Chính sách lương 3P dựa trên ba yếu tố cơ bản:

  • P1 - Trả lương cho vị trí công việc: Dựa trên giá trị công việc và mặt bằng lương trên thị trường.
  • P2 - Trả lương theo năng lực của người đảm nhận công việc: Dựa trên năng lực của nhân viên và độ hiếm của thị trường.
  • P3 - Trả lương theo thành tích: Dựa trên thành tích cá nhân và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Thưởng hiệu quả công việc

Bên cạnh tiền lương, doanh nghiệp cũng có thể khen thưởng nhân viên bằng các khoản thưởng nóng, chế độ đãi ngộ đặc biệt hoặc thưởng bằng cổ phiếu doanh nghiệp,... khi họ đạt thành tích xuất sắc hoặc có đóng góp giúp cải thiện hiệu suất công việc.

3. Phụ cấp

Phụ cấp là khoản tiền doanh nghiệp chi trả cho người lao động bên cạnh tiền lương nhằm bù đắp về điều kiện lao động, mức độ khó khăn của công việc, điều kiện sinh hoạt,...

Phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều có các phụ cấp cơ bản như phụ cấp xăng xe, điện thoại, nhà ở, phụ cấp thâm niên. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù sẽ có khoản phụ cấp đặc biệt như phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

4. Phúc lợi

Bên cạnh lương thưởng thì phúc lợi cũng là chế độ đãi ngộ được nhiều người lao động quan tâm. Nhìn chung, phúc lợi được chia thành hai dạng chính:

  • Phúc lợi bắt buộc: Là phúc lợi tối thiểu theo quy định của pháp luật mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều phải đáp ứng, chẳng hạn như BHYT, BHXN, BHTN.
  • Phúc lợi tự nguyện: Tùy vào khả năng tài chính và định hướng của doanh nghiệp mà có thể đưa thêm các đãi ngộ khác như bảo hiểm cho cả gia đình nhân viên vào chính sách phúc lợi của doanh nghiệp.

Đãi ngộ phi tài chính

1. Môi trường làm việc

Môi trường làm việc toxic sẽ gây ức chế đối với nhân viên, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Vậy nên, doanh nghiệp cần tạo bầu không khí làm việc có sự kết nối giữa các thành viên trong tập thể và xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh giúp nhân viên luôn tiến về phía trước.

2. Trang thiết bị làm việc

Một doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng chế độ đãi ngộ cho nhân viên sẽ luôn chú trọng đến điều kiện làm việc của nhân viên, cung cấp đầy đủ trang thiết bị làm việc như: 

  • Phương tiện đi lại: xe máy, ô tô hoặc thẻ sử dụng taxi (tùy vào cấp bậc và tính chất công việc)
  • Laptop
  • Điện thoại di động cho nhân viên bán hàng,... 

Nhằm giúp họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

3. Các khóa học đào tạo

Đãi ngộ này không chỉ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng mà còn giúp người lao động cảm thấy tích cực khi bản thân có sự phát triển về chuyên môn và kỹ năng mềm. Doanh nghiệp có thể cân nhắc lên kế hoạch đào tạo định kỳ, hỗ trợ học phí cho các khóa học phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

4 bước xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho nhân viên

1. Xác định chính xác nhu cầu của nhân viên.

Khi khách hàng phàn nàn về sản phẩm/dịch vụ, doanh nghiệp lắng nghe và điều chỉnh. Vậy doanh nghiệp cũng nên làm điều tương tự khi xây dựng chính sách đãi ngộ nhân viên. 

Doanh nghiệp hãy thu thập thông tin từ đội ngũ nhân viên của mình thông qua việc thực hiện khảo sát hoặc đánh giá nhu cầu của họ. Điều quan trọng ở bước này chính là doanh nghiệp cần mở lòng để lắng nghe những băn khoăn và ý tưởng của nhân viên.

Những yếu tố chính ảnh hưởng đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp bao gồm:

  • Ngành nghề
  • Quy mô tổ chức
  • Đặc điểm nhân khẩu học của nhân viên
  • Vị trí địa lý

Doanh nghiệp cũng có thể nhờ đến các công ty tư vấn để phân tích xu hướng trong lĩnh vực nhân sự, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất với nhóm nhân viên của mình, nhằm xây dựng một chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn.

2. Tìm sự cân bằng giữa thu nhập, lợi ích và đặc quyền.

Chế độ lương thưởng đang thay đổi nhanh chóng do sự dịch chuyển về nhân khẩu học của lực lượng lao động. 

Giờ đây, ngoài lương thưởng, người lao động còn tìm kiếm những đãi ngộ hấp dẫn như: hình thức làm việc linh hoạt hoặc từ xa, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tinh thần, nghỉ phép có lương cho những nhân sự vừa làm ba mẹ,.. giúp họ có được “work-life balance" (cân bằng giữa công việc và cuộc sống).

Vậy nên, thay vì giữ nguyên các chế độ đãi ngộ cũ, đây là thời điểm tuyệt vời để doanh nghiệp cân nhắc điều chỉnh cũng như cải thiện cấu trúc lương, thưởng để thu hút và giữ chân nhân tài.

3. Phân tích mục tiêu và ngân sách của doanh nghiệp.

Chính sách đãi ngộ nhân viên trong năm 2024 và những năm sau sẽ có sự khác biệt so với các năm trước. Doanh nghiệp nên đánh giá chế độ đãi ngộ của công ty mình hàng năm để xem liệu nhân viên có đang tận dụng tốt các phúc lợi này không, hoặc những phúc lợi này có cần điều chỉnh lại hay không. Ngân sách của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến những quyết định này.

4. Truyền thông cho nhân viên về chính sách đãi ngộ của công ty.

Truyền thông thường xuyên qua nhiều kênh là chìa khóa để nâng cao nhận thức và sự tham gia của nhân viên. Các kênh mà doanh nghiệp có thể tận dụng là:

  • Nhắc nhở qua email
  • Kênh truyền thông nội bộ của doanh nghiệp
  • Poster hoặc tờ rơi treo trong văn phòng
  • Tổ chức buổi hướng dẫn

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể đào tạo đội ngũ lãnh đạo, quản lý để họ có thể truyền đạt chính sách phúc lợi cho các thành viên trong nhóm của mình. 



📍Kết luận:

CakeResume mong rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ chế độ đãi ngộ là gì?. Bạn hãy nhớ “Nhân viên chính là đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp”. Doanh nghiệp làm sao có thể mang đến sự hài lòng cho khách hàng nếu như những người trực tiếp tạo nên trải nghiệm hài lòng đó lại không cảm thấy hài lòng?

Vậy nên, nếu muốn nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hãy dành cho họ những chế độ đãi ngộ thật tốt và đối xử với họ như một khách hàng nội bộ thay vì như là người lao động.

Doanh nghiệp của bạn mong muốn xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng? Liên hệ ngay với đội ngũ headhunter giàu kinh nghiệm của Cake để được tư vấn về giải pháp tuyển dụng hiệu quả nhất, mà vẫn đảm bảo tối ưu hóa thời gian, chi phí và nguồn lực cho quy trình tuyển dụng của công ty.

--- Tác giả: Liesel Phan ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
People Operations
Aug 16th 2024

Mô hình 5M là gì? Vai trò và cách ứng dụng mô hình 5M vào quản lý doanh nghiệp

Khái niệm mô hình 5M là gì luôn được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu để ứng dụng vào việc quản lý. Tìm hiểu ngay cùng Cake nhé!