DEI là gì? Ứng dụng DEI như thế nào trong doanh nghiệp?

dei-la-gi
Lợi ích khi ứng dụng DEI trong doanh nghiệp

Đa dạng, công bằng, hòa nhập là ba yếu tố kiến tạo nên môi trường làm việc tích cực. Hiểu được điều đó, một chương trình nhằm giảm thiểu phân biệt đối xử trong doanh nghiệp ra đời với tên gọi: DEI program và ngày càng được quan tâm. 

So với các thế hệ trước đây, Gen Z hiểu rất rõ vai trò của DEI là gì trong bối cảnh hội nhập và đặt nó làm tiêu chí lựa chọn “bến đỗ” phù hợp. Tuy nhiên, theo khảo sát của LinkedIn, trong số 69% doanh nghiệp cam kết thực hiện DEI trong tuyển dụng thì chỉ có 47% yêu cầu bộ phận HR ứng dụng DEI.

Cùng Cake lý giải vì sao DEI có khả năng nâng cao văn hóa doanh nghiệp, tăng sự gắn bó của nhân viên và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong bài viết này nhé!

Chương trình DEI là gì?

Ý nghĩa của DEI là gì? 

DEI là viết tắt của từ Diversity (đa dạng), Equity (bình đẳng) và Inclusion (hòa nhập). Đây là một phần không thể tách rời trong chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ toàn cầu hóa. 

Theo Harvard Business School, DEI tập trung vào các điểm sau:

  • Sự tham gia của các cá nhân có khác biệt về xuất thân, hoàn cảnh và quan điểm;
  • Sự bình đẳng trong khả năng tiếp cận cơ hội và được đối xử công bằng, không kỳ thị;
  • Cảm giác được tôn trọng, ghi nhận và muốn gắn bó lâu dài khi làm việc tại công ty.

Để hiểu hơn DEI trong doanh nghiệp, hãy đi vào từng thành phần cấu thành nên chiến lược này nhé.

Diversity là gì?

Richard Thaler, người từng giành giải thưởng Nobel danh giá, đã chia sẻ: 

“Đa dạng không dừng ở đa sắc tộc, quốc tịch và giới tính; hơn cả, sự đa dạng ấy phải đến từ cách mà từng thành viên tư duy, làm việc. ”

Như vậy, nói tới đa dạng trong doanh nghiệp là nói đến:

  • Đa dạng giới tính: Tỷ lệ nhân viên nam và nữ làm việc tại công ty như thế nào? Ngày nay, nội dung này còn mở rộng sang đa dạng trong nhóm xu hướng tính dục.
  • Đa dạng độ tuổi: Nhân viên chủ yếu đến từ một nhóm tuổi nhất định hay có sự hài hòa giữa các thế hệ?
  • Đa dạng quốc tịch, sắc tộc: Họ đến từ một vùng lãnh thổ hay có sự khác biệt địa lý? Các cộng đồng thiểu số có tham gia làm việc tại công ty không?
  • Đa dạng năng lực thể chất và thần kinh: Người khuyết tật có cơ hội làm việc tại công ty không?

Equity là gì?

Nếu đa dạng giúp mọi cá nhân có việc làm và thu nhập thì bình đẳng giúp họ cảm thấy được tôn trọng trong quá trình làm việc tại công ty.

Từ “bình đẳng” trong DEI nhấn mạnh việc xem xét hoàn cảnh đặc biệt của từng cá nhân để điều chỉnh chính sách đãi ngộ, nhằm mang đến cơ hội phát triển và thành công trong sự nghiệp một cách công bằng.

Ví dụ, người khiếm thị được công ty trang bị các công cụ và phần mềm chuyên biệt giúp họ làm việc thuận tiện hơn trên máy tính.

Inclusion là gì?

Hòa nhập nói về cách doanh nghiệp giúp nhân viên cảm thấy mình được chào đón, chấp nhận và từ đó sẵn sàng đóng góp cho sự thành công của tập thể.

Không dừng lại ở tuyển dụng những cá nhân đến từ hoàn cảnh khác nhau, công ty còn phải xây dựng một văn hóa doanh nghiệp hòa nhập, nơi tiếng nói của mỗi người đều được lắng nghe và có trọng lượng như nhau. 

Tại sao nên áp dụng DEI trong doanh nghiệp?

Ứng dụng DEI vừa giúp doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu về tinh thần và vật chất của nhân viên, vừa mang đến nhiều lợi ích quan trọng đối với quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.

1. Nâng cao Employee Engagement

Employee engagement là mức độ nhiệt tình, tận tâm mà nhân viên dành cho công việc và công ty của họ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi nhân viên cảm thấy an toàn và yên tâm ở nơi làm việc, họ sẽ có xu hướng cống hiến nhiều hơn trong công việc, gắn kết hơn với công ty. 

Bằng cách ứng dụng DEI, lãnh đạo công ty đang tác động tích cực tới tinh thần tập thể trong nội bộ doanh nghiệp, từ đó tăng cảm giác “được thuộc về” ở mỗi thành viên. 

2. Xây dựng thương hiệu tuyển dụng

Theo kết quả khảo sát năm 2022 của Deloitte Global, bên cạnh lương thưởng, work-life balance và cơ hội phát triển, Gen Z và Millennial đặc biệt quan tâm tới mức độ DEI của nhà tuyển dụng. 

Do đó, lồng ghép các giá trị DEI trong xây dựng employer branding vừa giúp công ty lấy được thiện cảm của ứng viên, vừa mở rộng talent pool sang các cộng đồng thiểu số tại địa phương.

employer-branding-la-gi
5 bước xây dựng thương hiệu tuyển dụng

3. Thu hút và giữ chân nhân tài

Thay thế nhân viên nghỉ việc, chưa nói đến việc tìm được nhân tố có năng lực ngang bằng hoặc tốt hơn người cũ, luôn là nhiệm vụ đau đầu với nhà tuyển dụng. 

Cũng theo Deloitte Global, Gen Z và Millennial ưu tiên chọn các công ty coi trọng DEI. Tỷ lệ Employee Turnover ở hai nhóm này cũng thấp hơn khi doanh nghiệp thành công ứng dụng DEI.

4. Phát huy tối đa tiềm năng của nhân viên

Bất kể đó là “chiến binh tiền tuyến” hay là đội ngũ hậu phương, ứng dụng DEI mang đến cơ hội phát triển cho mọi thành viên của doanh nghiệp. 

Khi trao quyền cho nhân viên chủ động trong công việc, công ty đồng thời thúc đẩy không khí đoàn kết nội bộ. Từ đây, hiệu suất làm việc tăng lên như một hệ quả tất yếu.

5. Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới

Cuối cùng, nhưng mang ý nghĩa quan trọng nhất khi bàn về lợi ích của DEI là gì, là khả năng khuyến khích các ý tưởng độc đáo, kích thích quá trình đổi mới trong nội bộ doanh nghiệp.

Môi trường làm việc cởi mở tạo tiền đề cho tinh thần “sáng tạo để cùng kiến tạo” phát triển, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực giải quyết vấn đề và sẵn sàng vượt qua thách thức thời cuộc. 

Quy trình ứng dụng DEI trong doanh nghiệp

Điểm cốt yếu nhất của DEI là gì? Đó có phải chỉ là có thật nhiều cá nhân khác biệt trong hồ sơ nhân sự hay không?

Để chiến lược này thực sự mang đến lợi ích bền lâu cho doanh nghiệp, trước khi bắt tay vào ứng dụng DEI, mỗi công ty cần trả lời năm câu hỏi sau:

  • Công ty đang ở đâu trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế?
  • Tầm nhìn của công ty trong tương lai là gì?
  • Vì sao DEI quan trọng đối với tầm nhìn đó?
  • Nguồn lực cần huy động để triển khai chương trình DEI là gì?
  • Các dấu hiệu nào sẽ cho thấy công ty ứng dụng DEI thành công?

Bước tiếp theo là áp dụng quy trình 5A đưa DEI trở thành một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.

1. Aspiration: Xác định định hướng

Mục tiêu DEI có thể là một câu, một danh sách, hoặc một đoạn văn bao gồm các lời cam kết. Dù ở hình thức nào, mục tiêu DEI cần cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sứ mệnh của tổ chức với DEI là gì và làm rõ những kết quả doanh nghiệp muốn đạt được.

2. Assess: Xây dựng cơ sở đánh giá

Nhằm đảm bảo quá trình ứng dụng DEI không lệch khỏi mục tiêu ban đầu, ban lãnh đạo cần thiết lập hệ thống đánh giá phù hợp. Nên kết hợp phương pháp định lượng và định tính để theo dõi biến động nhân sự, sức khỏe tinh thần của nhân viên cùng với hiệu quả kinh doanh.

3. Architect: Đầu tư thời gian lên kế hoạch

Khi đã có định hướng rõ ràng và cơ sở đánh giá toàn diện, tiếp theo doanh nghiệp cần xác định kế hoạch triển khai chiến lược DEI là gì. Sẽ không có cách tiếp cận nào lý tưởng cho mọi trường hợp, mỗi tổ chức cần xây dựng dựa trên các mục tiêu và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

4. Act: Huy động năng lực và nguồn lực

Muốn ứng dụng DEI thành công, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực cả về con người lẫn tài chính, thời gian và cơ sở vật chất. Hãy tận dụng những insight thu thập được từ bước số 2 để hiểu rõ tài nguyên cần thiết cho quá trình chuyển đổi này. 

5. Advance: Mở rộng quy mô và duy trì động lực

Như mọi chiến lược kinh doanh khác, tiến trình triển khai ​​DEI trong công ty cũng cần được theo dõi tiến độ thường xuyên. Trong quá trình đó, các cấp quản lý, lãnh đạo và các bên liên quan sẽ có vai trò tự quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm trước các kết quả thực hiện mục tiêu DEI.

Case study về ứng dụng DEI trong doanh nghiệp

🏬 Cake 

Với đội ngũ nhân viên đến từ nhiều quốc gia, Cake thường xuyên tổ chức các sự kiện nội bộ với chủ đề như "Working away from home" hay "Ẩm thực Đông Nam Á". Những hoạt động này giúp các thành viên hiểu hơn về văn hóa của nhau, đồng thời thúc đẩy giá trị DEI trong tập thể.

van-hoa-doanh-nghiep-tai-cake
Đọc thêm: Có gì hấp dẫn ở môi trường làm việc tại Cake?

🏬 Google

Cam kết xây dựng môi trường làm việc chuẩn DEI, Google đã thành công thu hút nhân tài đa sắc tộc. Với châm ngôn tuyển dụng và quản trị không thiên vị cùng chính sách đãi ngộ phù hợp với từng cá nhân, Google đã tạo nên một văn hóa doanh nghiệp đoàn kết và vững mạnh.

🏬 Slack 

Thay vì cách thức truyền thống, các nhà tuyển dụng của Slack đã tới thăm các Coding camp dành riêng cho phụ nữ và người da màu để tìm kiếm nhân tài. Họ cũng khảo sát nhân viên định kỳ để phát hiện kịp vấn đề nhân sự cần giải quyết, đặc biệt với các nhóm thiểu số.



📍 Kết luận

Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn DEI là gì và vai trò của DEI trong xây dựng thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding). 

Ứng dụng DEI trong chiến lược phát triển doanh nghiệp cho thấy công ty đang hướng tới môi trường làm việc nơi người lao động, dù đến từ bất kỳ đâu, cũng đều được chào đón và trân trọng.

Bằng cách thúc đẩy các giá trị DEI, doanh nghiệp vừa giữ chân nhân tài sẵn có, vừa thu hút thêm ứng viên tiềm năng nhờ duy trì hình ảnh tích cực trên thị trường. 

Đọc thêm: Danh sách “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024”

Với kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng, Cake tự tin đem đến các chiến lược employer branding hiệu quả. Hợp tác với chúng tôi để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh và thu hút thêm nhiều nhân tài!

--- Tác giả: Hoang Phuong ---

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
People Operations
Aug 16th 2024

Mô hình 5M là gì? Vai trò và cách ứng dụng mô hình 5M vào quản lý doanh nghiệp

Khái niệm mô hình 5M là gì luôn được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu để ứng dụng vào việc quản lý. Tìm hiểu ngay cùng Cake nhé!