Kaizen là gì? Bí quyết giúp doanh nghiệp cải tiến liên tục

ung-dung-kaizen
Ứng dụng Kaizen trong quản trị doanh nghiệp

Kaizen là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Nhật, có nghĩa là "cải tiến liên tục". Đây không chỉ đơn thuần là một triết lý mà đã trở thành một phương pháp được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản trị kinh doanh. 

Trong bài viết này, hãy cùng Cake sẽ khám phá chi tiết Kaizen là gì, lợi ích, quy trình thực hiện, cũng như những lưu ý khi ứng dụng phương pháp Kaizen trong thực tế.

Kaizen là gì?

Nguồn gốc của Kaizen

Kaizen (改善) trong tiếng Nhật có nghĩa là "cải tiến" (Kai = thay đổi, Zen = tốt hơn). Nền móng của Kaizen được đặt ra trong giai đoạn tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản (sau 1945), thời kỳ mà quốc gia này phải nỗ lực rất nhiều để khôi phục nền kinh tế và các ngành công nghiệp. Triết lý này tập trung vào việc thực hiện các thay đổi nhỏ nhưng đều đặn để cải thiện quy trình, tăng năng suất và nâng cao chất lượng làm việc. 

5S Kaizen là gì?

Toyota Motor Corporation được coi là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng phương pháp Kaizen, họ ưu tiên tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ Kaizen, Toyota không chỉ cải tiến các sản phẩm của mình mà còn xây dựng một hệ thống sản xuất vận hành hiệu quả hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô.

5S Kaizen được dựa trên quy tắc 5S, bao gồm 5 bước: 

  • Seiri (Sàng lọc) - loại bỏ những vật dụng không cần thiết
  • Seiton (Sắp xếp) - tổ chức không gian khoa học
  • Seiso (Sạch sẽ) - giữ nơi làm việc sạch sẽ
  • Seiketsu (Săn sóc) - chuẩn hóa các hoạt động
  • Shitsuke (Sẵn sàng) - toàn nhân viên đồng thuận thực hiện 5S.

Kaizen trong quản trị và sản xuất

Ngày nay, phương pháp Kaizen đã trở thành một phương châm phổ biến và được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, không chỉ trong ngành sản xuất mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, y tế, giáo dục và công nghệ. Các doanh nghiệp áp dụng Kaizen để cải tiến từng khía cạnh nhỏ trong quy trình hoạt động, từ quản lý thời gian, sắp xếp không gian làm việc đến nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Lợi ích của phương pháp Kaizen trong quản lý doanh nghiệp

Áp dụng phương pháp Kaizen không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình một cách tạm thời, mà còn tạo ra nhiều giá trị bền vững khác. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật:

1. Tăng hiệu quả sản xuất

Phương pháp Kaizen, với cách tiếp cận tập trung vào việc cải tiến liên tục, mang lại sự tinh gọn trong hoạt động sản xuất và quản lý, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất toàn diện. 

Ví dụ: Một nhà máy sản xuất ô tô nhận thấy thời gian di chuyển của công nhân giữa các trạm làm việc mất quá nhiều thời gian. Sau khi áp dụng Kaizen trong sản xuất, họ tái thiết kế dây chuyền bằng cách đặt các công cụ và vật liệu cần thiết gần vị trí làm việc hơn. Điều này giảm thời gian di chuyển của công nhân, từ đó làm tăng số lượng sản phẩm hoàn thiện mỗi ngày.

2. Thúc đẩy sự tham gia của nhân viên

Không chỉ là một công cụ, phương pháp Kaizen còn đại diện cho một văn hóa doanh nghiệp, trong đó khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến nhân viên.

Ví dụ: Pixar, công ty hoạt hình nổi tiếng của Mỹ, là "Brain Trust" - nhóm tập hợp các nhà sáng tạo cùng làm việc, hợp tác, để đưa ra ý kiến cởi mở và tìm ra cách cải tiến những bộ phim mới. Nhóm Brain Trust giúp phát hiện và giải quyết các trở ngại trong quy trình sáng tạo, cho ra nhiều tác phẩm đình đám như Toy Story, Finding Nemo, và Inside Out

Tương tự đối với các ngành khác, Kaizen có thể được áp dụng để mọi nhân viên đều được tham gia và có quyền đưa ra ý kiến đóng góp, từ đó thúc đẩy employee engagement và tinh thần làm việc nhóm.

3. Cải thiện chất lượng sản phẩm

Phương pháp Kaizen tập trung vào việc phân tích và xử lý các vấn đề gốc rễ trong quy trình, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao hơn qua từng giai đoạn cải tiến.

4. Tăng khả năng cạnh tranh

Nhờ liên tục cải tiến, những doanh nghiệp ứng dụng phương pháp Kaizen có khả năng duy trì được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường.

5. Hỗ trợ phát triển bền vững 

Phương pháp Kaizen cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động lên môi trường bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Những cải tiến nhỏ này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào các mục tiêu ESG, chẳng hạn như bảo vệ môi trường và thúc đẩy trách nhiệm xã hội.

csr-trong-doanh-nghiep
các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm những gì?

Quy trình thực hiện phương pháp Kaizen

Triển khai phương pháp Kaizen đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy trình rõ ràng và sự tham gia từ toàn bộ tổ chức. Dưới đây là các bước cơ bản để thực hiện Kaizen hiệu quả trong doanh nghiệp, cùng ví dụ minh họa:

1. Nhận diện vấn đề

Bước đầu tiên trong ứng dụng phương pháp Kaizen là xác định rõ các vấn đề hoặc thách thức đang tồn tại trong quy trình làm việc. Điều này có thể bao gồm lãng phí thời gian, nguồn lực hoặc các khâu chưa hiệu quả.

Để làm được điều này, nhà quản lý hoặc chủ doanh nghiệp có thể phân tích các yếu tố trong mô hình 5M (Man, Machine, Method, Material, Measurement) để tìm ra gốc rễ của vấn đề. 

2. Phân tích nguyên nhân

Sau khi nhận diện vấn đề, bước cần làm tiếp theo là phân tích để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Một số công cụ phổ biến như sơ đồ xương cá hoặc phương pháp 5 Whys thường được sử dụng trong bước này.

Ví dụ: Một nhà máy sản xuất nhận thấy thời gian lắp ráp một sản phẩm mất đến 20 phút, cao hơn so với mục tiêu 15 phút. Phân tích cho thấy nguyên nhân là do công xưởng còn lộn xộn, khiến công nhân mất nhiều thời gian tìm kiếm công cụ. Từ đây, một kế hoạch cụ thể có thể được lập ra để giải quyết vấn đề không gian làm việc chưa tối ưu.

3. Lập kế hoạch cải tiến

Khi nguyên nhân đã được xác định, một kế hoạch chi tiết cần được xây dựng để khắc phục vấn đề. Kế hoạch này phải bao gồm các bước cụ thể, mục tiêu rõ ràng và nguồn lực cần thiết.

Ví dụ: Kế hoạch áp dụng Kaizen trong sản xuất là “Sắp xếp lại khu vực làm việc theo quy tắc 5S” (trong đó chỉ rõ những điều cần làm ở từng mục).

4. Thực hiện kế hoạch cải tiến 

Đây là bước biến ý tưởng thành hành động thực tế. Phương pháp Kaizen sẽ chỉ được triển khai thành công khi có sự phối hợp của toàn bộ nhân viên liên quan. Vì vậy, họ cần được thông báo rõ ràng về mục tiêu, kế hoạch và vai trò của mình thông qua truyền thông nội bộ.

5. Đánh giá kết quả

Sau khi thực hiện, doanh nghiệp cần đo lường hiệu quả của cải tiến thông qua các chỉ số như thời gian hoàn thành, chi phí tiết kiệm và năng suất tăng thêm.

Ví dụ: Thời gian lắp ráp sản phẩm giảm từ 20 phút xuống còn 14 phút, vượt mục tiêu ban đầu.

6. Chuẩn hóa và duy trì

Nếu cải tiến nhờ ứng dụng phương pháp Kaizen đạt kết quả tích cực, quy trình mới cần được chuẩn hóa và áp dụng lâu dài. Doanh nghiệp cũng cần duy trì các đánh giá định kỳ để đảm bảo hiệu quả cải tiến được giữ vững.

Lưu ý khi ứng dụng Kaizen trong doanh nghiệp

Để phương pháp Kaizen mang lại hiệu quả tối ưu, dưới đây là một số lưu ý quan trọng cho lãnh đạo doanh nghiệp:

1. Đảm bảo sự đồng thuận trong nội bộ

Phương pháp Kaizen chỉ hiệu quả khi cả tổ chức, từ lãnh đạo đến nhân viên, đồng lòng thực hiện. Nếu không có sự đồng thuận, kế hoạch cải tiến có thể gặp phải sự kháng cự hoặc thiếu hợp tác. 

Để làm được điều này, lãnh đạo có thể tổ chức các buổi họp để giải thích về lợi ích của Kaizen cho nhân viên, ví dụ như việc giảm khối lượng công việc không cần thiết và nâng cao năng suất. 

2. Đặt ra mục tiêu cải tiến rõ ràng

Khi triển khai Kaizen, các mục tiêu cần cụ thể, đo lường được và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể áp dụng là mô hình SMART để thiết lập mục tiêu khả thi và hiệu quả. 

Giải nghĩa mô hình SMART:

  • Specific (Cụ thể): Mục tiêu cần rõ ràng và dễ hiểu, không mơ hồ.
  • Measurable (Đo lường được): Cần có thước đo cụ thể để theo dõi tiến độ và đánh giá kết quả.
  • Achievable (Khả thi): Mục tiêu phải thực tế, phù hợp với nguồn lực và khả năng hiện có.
  • Relevant (Có liên quan): Mục tiêu phải phù hợp với định hướng và chiến lược của doanh nghiệp.
  • Time-bound (Có thời hạn): Xác định rõ thời gian hoàn thành mục tiêu để tạo động lực và kỷ luật cho nhân viên. 

3. Bắt đầu từ những cải tiến nhỏ

Kaizen tập trung vào các bước cải tiến nhỏ nhưng liên tục thay vì các thay đổi lớn, phức tạp. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp. Việc bắt đầu từ những thay đổi nhỏ cũng giúp tạo động lực cho đội ngũ nhân viên.

4. Đào tạo và hỗ trợ nhân viên

Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo nhân viên hiểu rõ Kaizen là gì, cũng như các phương pháp cải tiến liên quan, qua các chương trình đào tạo, hội thảo hoăc tài liệu hướng dẫn.

5. Khuyến khích văn hóa đổi mới và cải tiến

Kaizen không nên chỉ là một giai đoạn đổi mới. Nhiều tổ chức đã coi đây như một phần trong giá trị cốt lõi của doanh nghiệp họ và khuyến khích tinh thần Kaizen trong nhiều hoạt động nội bộ.

Ví dụ: Doanh nghiệp có thể trao thưởng hàng tháng cho những nhân viên đề xuất ý tưởng cải tiến tốt nhất. Điều này có thể khuyến khích nhân viên tích cực đóng góp ý kiến và duy trì văn hóa đổi mới.

6. Kiên nhẫn và cam kết lâu dài

Phương pháp Kaizen không tạo ra thay đổi lớn ngay lập tức mà tập trung vào các cải tiến nhỏ, từng bước nhưng liên tục. Những thay đổi này có thể không mang lại kết quả đáng kể trong thời gian ngắn, nhưng khi được duy trì lâu dài, chúng sẽ tích lũy và tạo nên sự thay đổi lớn.

Ở khía cạnh này, vai trò của lãnh đạo là yếu tố chìa khóa. Khi người tiên phong thể hiện được cam kết mạnh mẽ trong việc duy trì văn hóa Kaizen, đội ngũ nhân viên cũng sẽ có niềm tin và đồng lòng hơn, đảm bảo sự cải tiến được triển khai nhất quán và lâu dài trong toàn doanh nghiệp.



📍Kết luận

Kaizen là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và cam kết bền bỉ từ cả lãnh đạo lẫn nhân viên. Những cải tiến nhỏ được thực hiện hôm nay, nếu duy trì đều đặn, sẽ tích lũy thành những thay đổi lớn, mang lại sự tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh vượt trội trong tương lai. Cake chúc quý doanh nghiệp áp dụng Kaizen thành công và phát triển vững mạnh!

Doanh nghiệp mong muốn xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng? Liên hệ ngay với đội ngũ giàu kinh nghiệm của Cake để được tư vấn về giải pháp tuyển dụng hiệu quả nhất, mà vẫn đảm bảo tối ưu hóa thời gian, chi phí và nguồn lực cho quy trình tuyển dụng của công ty.

--- Tác giả: Dasie Pham ---

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
People Operations
Aug 16th 2024

Mô hình 5M là gì? Vai trò và cách ứng dụng mô hình 5M vào quản lý doanh nghiệp

Khái niệm mô hình 5M là gì luôn được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu để ứng dụng vào việc quản lý. Tìm hiểu ngay cùng Cake nhé!