15+ kỹ năng phỏng vấn xin việc thành công

ky-nang-phong-van-xin-viec
10 kỹ năng phỏng vấn xin việc

Để “săn job" thành công, ngoài bộ hồ sơ xin việc chất lượng, kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc là cực kỳ cần thiết và giúp bạn vượt qua hàng trăm ứng viên sáng giá khác. Đừng quá lo lắng nếu bạn sắp gặp mặt nhà tuyển dụng!

Bài viết này sẽ bật mí những kinh nghiệm trả lời phỏng vấn hay cho bạn, cũng như các kỹ năng xin việc khác bạn cần chuẩn bị để đạt được kết quả như mong đợi.

5 kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc

1. Trả lời đúng trọng tâm câu hỏi

Đây là kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc quan trọng nhất, giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về nguyện vọng, chuyên môn và tính cách của bạn, cũng như làm rõ và xác thực các thông tin trong CV. Vì vậy, bạn nên tránh trả lời vòng vo hay lạc đề, mà hãy luyện tập kỹ năng trả lời phỏng vấn sao cho súc tích và mạch lạc.

Các chủ đề nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên bao gồm:

  • Giới thiệu bản thân
  • Thông tin liên quan đến vị trí ứng tuyển và doanh nghiệp
  • Lý do bạn dừng việc ở công ty cũ, v.v..

2. Chủ động, tránh “hỏi gì trả lời đấy"

Câu trả lời của bạn đúng trọng tâm, súc tích nhưng không nên “cụt lủn”.

Ví dụ, với câu hỏi: “Bạn biết đến vị trí công việc này từ đâu?”, nếu bạn chỉ nói “mạng xã hội” thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn yếu kỹ năng giao tiếp. Ngược lại, bạn nên trả lời: “Khi đọc tin tuyển dụng tại trang facebook của công ty, tôi biết rằng đây là công việc tôi hằng mong muốn” và bạn dành thêm vài lời khen về thành công của công ty.

3. Tự tin & trung thực

Sự tự tin được thể hiện qua phong thái, cử chỉ và giọng nói khi bạn tương tác với nhà tuyển dụng. Cách trả lời phỏng vấn chuẩn chỉnh là nói với âm lượng vừa phải, phong thái tự tin và nét mặt điềm tĩnh.

Một trong những kinh nghiệm xin việc thành công khác là hãy trung thực trong mọi hoàn cảnh để nhà tuyển dụng không hiểu lầm là bạn đang cố giấu diếm điều gì đó, hoặc đang “PR" bản thân quá đà.

4. Bày tỏ sự biết ơn

Một trong những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc có thể làm "xiêu lòng" nhà tuyển dụng là thể hiện sự chân thành và lòng biết ơn, không chỉ với họ khi đã trao cho bạn cơ hội bước vào vòng tiếp theo, mà còn với sếp và đồng nghiệp cũ - khi bạn trả lời câu hỏi "Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?".

Bởi lẽ nhờ đó, bạn mới tích lũy được những kinh nghiệm đáng quý như hiện tại.

5. Thay từ "không" bằng "chưa"

Đây là một kỹ năng phỏng vấn xin việc cực hay mà ít ai biết. "Chưa” hàm ý bạn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi điều mới để trau đồi bản thân. Ngược lại, “không” mang ý nghĩa hơi tiêu cực, không thể hiện được sự cầu tiến đối với cá nhân cũng như công việc.

Các kỹ năng cần có khi đi xin việc

1. Kỹ năng gửi email

Trong suốt quá trình tuyển dụng, bạn sẽ phải thường xuyên trao đổi với nhà tuyển dụng thông qua email. Tuy nhiên, đây lại là một trong các kỹ năng cần có khi đi xin việc mà nhiều ứng viên chưa làm đúng.

Do đó, biết cách viết các loại email khác nhau như: thư xác nhận phỏng vấn, thư từ chối phỏng vấn, thư hỏi kết quả phỏng vấn, v.v.. là kỹ năng xin việc bạn nên trang bị tốt cho mình. 

email-cam-on-sau-phong-van
Đọc thêm: Email cảm ơn sau phỏng vấn chuẩn

2. Kỹ năng giao tiếp

Các ứng viên sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao nếu biết cách nói chuyện thông minh, ứng biến nhạy bén trong suốt cuộc trò chuyện với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, tính cách ứng viên còn thể hiện qua ngôn ngữ hình thể, vậy nên, hãy vận dụng hiệu quả các cử chỉ trong lúc trả lời phỏng vấn nhé!

Song hành với kỹ năng nói là kỹ năng lắng nghe. Đây cũng là một kỹ năng giao tiếp rất quan trọng mà nhiều ứng viên bỏ qua. Bạn nên tránh ngắt lời nhà tuyển dụng, thay vào đó, nghe kỹ câu hỏi và đón nhận một cách tích cực các góp ý từ phía công ty nhé!

3. Kỹ năng giới thiệu bản thân khi phỏng vấn

Thực tế, đây không chỉ là kỹ năng khi đi phỏng vấn xin việc mà còn áp dụng cho rất nhiều tình huống gặp gỡ lần đầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lúng túng khi không biết phải giới thiệu thông tin gì về bản thân, hoặc nói thế nào cho ấn tượng.

Các thông tin cần có khi giới thiệu bản thân bao gồm: họ tên, bí danh (nếu có), trình độ học vấn, điểm mạnh của bản thân và nguyện vọng, mục tiêu đối với công việc đang ứng tuyển. 

Ví dụ giới thiệu bản thân khi phỏng vấn:

“Tôi xin chân thành cảm ơn quý công ty đã cho tôi cơ hội tham gia buổi trao đổi ngày hôm nay. Tôi tên là Nguyễn Thị Thùy Dung, mọi người thường gọi tôi bằng tên “Miley”. Trong 3 năm sau khi tốt nghiệp ngành quản trị mạng tại Trường Đại học FPT với bằng Giỏi, tôi làm cộng tác viên lập trình hệ thống CRM cho các doanh nghiệp lớn nhỏ. Tôi được biết công ty đang đi đầu về lĩnh vực AI trong bảo mật dữ liệu mạng và đây cũng là lĩnh vực tôi mong muốn theo đuổi phát triển sự nghiệp.”

4. Kỹ năng deal lương với nhà tuyển dụng

Để có thể deal lương khi phỏng vấn thành công, bạn nên tìm hiểu kỹ khối lượng công việc nhà tuyển dụng yêu cầu và mức lương ngành nghề trung bình hiện nay. 

Ngoài ra, hãy lưu ý rằng: bạn không chỉ đơn thuần đưa ra một con số, mà hãy cân nhắc cả về chính sách phúc lợi và lương thưởng của doanh nghiệp, cũng như thể hiện được những giá trị mà mình sẽ đóng góp cho doanh nghiệp trong tương lai. Deal lương một cách thuyết phục và hợp lý cũng là cách bạn thể hiện kỹ năng giao tiếp khi phỏng vấn xin việc đấy!

Câu trả lời cho "Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?":

“Bằng dự án kinh doanh tôi đã trình bày trên, công ty có thể tăng thêm 20% lợi nhuận. Do đó, kèm với những phúc lợi và đãi ngộ tuyệt vời từ quý công ty, tôi hy vọng mình được chi trả mức lương 15 triệu/ tháng cho vị trí quản lý dự án này.”  

5. Kỹ năng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Thông qua việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn đang thể hiện được rằng mình rất hào hứng và quyết tâm ứng tuyển vào vị trí công việc này. Vì vậy, đây cũng là một kỹ năng phỏng vấn xin việc mà bạn cần lưu ý.

Gợi ý những câu hỏi ứng viên nên hỏi nhà tuyển dụng: 

  • Anh/chị có thể cho em biết cơ hội phát triển nghề nghiệp của em tại công ty mình như thế nào ạ?
  • Công ty mình hiện đang sử dụng phương pháp OKR hay KPI để đo lường hiệu quả công việc?
  • Anh/chị có thể chia sẻ thêm giúp tôi những thách thức tôi sẽ đối mặt khi đảm nhận vị trí này?

Kỹ năng phỏng vấn xin việc cho từng hoàn cảnh

 1. Phỏng vấn online

Đây là 1 trong những hình thức phỏng vấn xin việc phổ biến nhất hiện nay. Dưới đây là các lưu ý bạn cần nhớ:

  • Lựa chọn trang phục chuyên nghiệp, chỉn chu.
  • Đảm bảo máy tính hoặc laptop có webcam, micro và kết nối mạng ổn định.
  • Nói chuyện trong không gian yên tĩnh.
kinh-nghiem-phong-van-online
Kinh nghiệm phỏng vấn online

2. Phỏng vấn nhân viên nhân sự

Làm việc trong lĩnh vực HR đề cao cách ứng xử khéo léo và tinh tế trong giao tiếp. Điều này sẽ được thể hiện rõ qua kỹ năng trả lời phỏng vấn nhân sự. Cụ thể là, bạn nên chọn lọc ngôn từ sao cho gãy gọn và quan sát để tinh ý nắm bắt thái độ của phía công ty. Hoặc là, hãy cố gắng giữ thái độ cởi mở và điềm tĩnh trước những câu hỏi hóc búa.

Đồng thời, bạn nên “bỏ túi” một vài tình huống giả định để chứng tỏ kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả nếu được hỏi đến nhé, ví dụ:

  • Theo bạn, thế nào là một môi trường làm việc lý tưởng, tích cực? 
  • Bạn đã từng sử dụng qua những phần mềm hay công cụ quản lý nhân sự nào? Bạn cần bao nhiêu lâu để làm quen với một công cụ mới? 

3. Phỏng vấn nhân viên kinh doanh

Nghề Sales đòi hỏi bạn thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Do đó, bạn cần chuẩn bị trước không chỉ các câu hỏi phỏng vấn nhân viên kinh doanh, mà cả các câu hỏi tình huống giả định nữa nhé, ví dụ như:

  • Bạn sẽ làm gì nếu nhận được khiếu nại không chính xác từ phía khách hàng?
  • Theo bạn, đâu là bước khó nhất trong cả quy trình sales?

4. Phỏng vấn vị trí quản lý

Nếu bạn đang ứng tuyển vào chức vụ quan trọng trong công ty, mẹo trả lời phỏng vấn tốt là thể hiện thái độ quyết đoán, chuyên môn vững vàng và nhấn mạnh vào những thành tích bạn đã đạt được ở công ty cũ, ví dụ:

  • Bạn đã quản lý team có bao nhiêu thành viên, tỷ lệ employee turnover là bao nhiêu? 
  • Bạn đã áp dụng những chiến lược nào để tăng doanh thu bán hàng trong vòng 6 tháng?

5. Phỏng vấn ngân hàng

Nhân viên ngân hàng thường đối mặt rất nhiều áp lực để đảm bảo độ chính xác của mọi thủ tục và giao dịch. Do vậy, kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc dành cho bạn là: hãy thể hiện phong thái điềm tĩnh, khả năng chịu áp lực cao và thái độ nghiêm túc với mọi trách nhiệm đã và đang đảm nhận. 



📍 Kết luận

Ngoài yếu tố về mặt năng lực, trang phục, thái độ, thì kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc cũng là một yếu tố quan trọng quyết định việc bạn có được lựa chọn hay không. Do đó, hãy chuẩn bị thật kỹ để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nhé! Hy vọng những chia sẻ trên đây của Cake sẽ giúp bạn thành công vượt qua buổi phỏng vấn tuyển dụng và có được công việc mơ ước.

Đọc thêm: Đi phỏng vấn cần chuẩn bị gì? Những điều nhà tuyển dụng mong đợi

Cake là một trong các trang web tuyển dụng uy tín, được nhiều doanh nghiệp và ứng viên lựa chọn. Dù bạn đang tìm kiếm chương trình thực tập, việc làm online hay full-time thì đều có thể dễ dàng tiếp cận cơ hội nghề nghiệp mình mong muốn. Tìm kiếm việc làm phù hợp và ứng tuyển ngay hôm nay!

--- Tác giả: Lana Nguyen ---

3 lợi ích khi đăng ký nhận thông báo từ Cake

  • Không bỏ lỡ tin tức nổi bật
  • Cập nhật thông tin nghề nghiệp
  • Khám phá việc làm mới nhất
Newsletter

Resume Builder

Build your resume only in minutes!

Các bài viết khác bạn có thể quan tâm

Bài viết liên quan mới nhất
Chuyện đi làm
thg 5 9 2024

6 mẫu email trả lời thư mời nhận việc cực chuẩn

Dù chấp nhận hay từ chối, hãy viết email trả lời thư mời nhận việc sớm để giúp nhà tuyển dụng kịp thời chuẩn bị các bước tiếp theo nhé!