Mục lục:
Bạn coi những lời góp ý là sự công kích cá nhân hay là cơ hội để cải thiện? Thất bại có khiến bạn nản lòng hay thúc đẩy bạn cố gắng hơn? Những câu hỏi tưởng chừng chẳng liên quan này thực ra lại nói lên rất nhiều về tư duy (mindset) của bạn trong công việc đấy!
Trong khi kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm luôn được chú ý ở môi trường chuyên nghiệp, mindset lại là yếu tố mà nhiều người bỏ qua, mặc dù cũng có vai trò vô cũng quan trọng. Vậy mindset là gì? Tư duy cố định hay tư duy cầu tiến ảnh hưởng đến công việc của bạn ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Mindset, tiếng Anh có nghĩa là “tư duy”, là cách chúng ta hiểu và tiếp cận thế giới xung quanh, cách chúng ta nhìn nhận bản thân, người khác và những tình huống gặp phải hằng ngày. Không chỉ ảnh hưởng đến cách nghĩ, mindset còn định hình hành động và phản ứng của mỗi người trong mọi tình huống.
Vậy, trong ngữ cảnh nghề nghiệp, mindset là cách mà một người nhìn nhận và tiếp cận công việc hàng ngày, cũng như cách họ đối mặt và giải quyết các thách thức và cơ hội.
Open mindset là tư duy mở. Đây là loại mindset ở những người tin rằng khả năng của họ không bị giới hạn và có thể được trau dồi thêm mọi lúc, mọi nơi. Họ chấp nhận thử nghiệm và luôn tìm kiếm cơ hội để học hỏi và phát triển.
Ví dụ: Một nhân viên tham gia vào một dự án lớn mà không có nhiều kinh nghiệm trước đó. Thay vì lo lắng rằng mình không đủ năng lực, anh ấy nhìn nhận nhiệm vụ này như một cơ hội để học hỏi và phát triển, sẵn lòng tiếp nhận ý kiến phản hồi từ đồng nghiệp để nâng cao kỹ năng của mình.
Fixed mindset là tư duy cố định. Khi một người tin rằng khả năng của mình là cố định và khó thay đổi, họ rất có thể là người tư duy theo kiểu fixed mindset. Người có tư duy cố định thường tránh xa các thử thách và khó chấp nhận thất bại.
Ví dụ: Một nhân viên ngần ngại không muốn nhận một nhiệm vụ mới vì nghĩ rằng mình không đủ kỹ năng để hoàn thành nó. Thay vào đó, anh ấy đề xuất nhiệm vụ cho một người khác.
Growth mindset là tư duy phát triển, đôi khi còn được gọi là "tư duy cầu tiến". Mindset này là sự kết hợp giữa tư duy mở và sự sẵn lòng học hỏi và phát triển của một người.
Những người có tư duy phát triển tin rằng trí thông minh và những phẩm chất bẩm sinh chỉ là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai, và các kỹ năng có thể được cải thiện thông qua học tập và làm việc chăm chỉ. Họ cũng coi thất bại là một phần của quá trình học và luôn tìm kiếm cơ hội để cải thiện bản thân.
Ví dụ: Một số người có thể làm tốt một số việc nhất định mà không cần đào tạo hoặc thực hành nhiều, nhưng những người khác có thể học cách làm những việc tương tự, tốt thông qua đào tạo và thực hành.
Nói tóm lại, việc có mindset khác nhau trong các lĩnh vực hoặc tình huống khác nhau là hoàn toàn bình thường. Ví dụ, một người có thể có tư duy phát triển (open mindset) khi chơi thể thao, nhưng lại có tư duy cố định (fixed mindset) khi đối mặt với các thách thức trong công việc.
Mindset định hình suy nghĩ và hành động của mọi người trong công việc. Dưới đây là một số cách nghĩ điển hình để bạn nhận ra sự khác biệt giữa tư duy cố định và tư duy cầu tiến là gì ngay trong bối cảnh công việc của mình:
Tư duy cố định | Tư duy phát triển | |
Nhìn nhận về kỹ năng | “Kỹ năng của mình đã được định sẵn và rất khó thay đổi.” | “Những kỹ năng mới có thể học được bằng sự chăm chỉ, nỗ lực và đào tạo.” |
Phản ứng trước các lời nhận xét (feedback) | “Feedback là sự chỉ trích và là dấu hiệu của sự thất bại.” | “Phản hồi là cơ hội để mình phát triển và cải thiện.” |
Nhìn nhận về sự cạnh tranh | Cảm thấy bị đe dọa hoặc tự ti khi thấy người khác thành công. | Lấy động lực và cảm hứng những người hoặc dự án thành công. |
Trong công việc, tư duy phát triển thường là loại mindset tối ưu nhất. Bởi lẽ, tư duy phát triển là tổng hợp của các phẩm chất như tính linh hoạt, sự sẵn sàng học hỏi, hợp tác, hay ý thức về mục tiêu cá nhân,...
Nhưng vì sao cần có mindset tốt trong công việc? Tham khảo một số lợi ích chính dưới đây nhé!
Khác với tư duy cố định thì tư duy phát triển giúp bạn nhìn nhận thử thách như là các cơ hội để trưởng thành thay vì coi đây là những rắc rối.
Điều này chính là nền tảng để bạn lạc quan, tự tin trong mọi tình huống. Tư duy tích cực cũng giúp bạn có thái độ cầu tiến và sự kiên nhẫn trong quá trình làm việc.
Thử thách thức sẽ không làm cho người có mindset tốt chùn bước. Thay vào đó, họ nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, thấu đáo hơn; từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề hợp lý và hiệu quả.
Khi có tư duy phát triển, bạn luôn trong trạng thái học hỏi và trau dồi kiến thức, chuyên môn, năng lực của bản thân. Và khi bạn nhận được sự công nhận trong công việc từ sếp và đồng nghiệp, bạn cũng nhận được nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Suy nghĩ của bạn có thể ảnh hưởng cách bạn phản ứng với một phản hồi, đến việc bạn đảm nhận các dự án mới, và thậm chí cả cách bạn quản lý nhân viên.
Mindset tích cực, vì thế có thể lan tỏa và ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung, tạo ra một “vòng lặp” tư duy tích cực trong tổ chức, tạo động lực và điều kiện cho sự phát triển và thành công chung.
Khi đã hiểu được tư duy phát triển là gì, tất cả chúng ta đều có thể chủ động phát triển mindset bằng cách nhận thức và thay đổi hành vi của bản thân.
Ví dụ, khi bạn để ý những suy nghĩ, lời nói hoặc hành động của mình có thể đang đi kèm với tư duy cố định, hãy nhắc nhở bản thân chuyển ngay sang “mode” tư duy phát triển.
Dưới đây là một số cách rèn luyện tư duy để bạn tham khảo:
Tư duy tích cực có thể được bắt đầu từ cách chúng ta nhìn nhận và phản ứng với những lời góp ý mang tính xây dựng trong công việc.
Khi nhận được feedback từ đồng nghiệp, sếp hay khách hàng, đừng ngay lập tức né tránh hay cảm thấy bị công kích mà hãy lắng nghe cởi mở và tiếp thu những lời khuyên hợp lý, hữu ích để hoàn thiện bản thân.
Nói chung, khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào, hãy tập trung vào nội dung được truyền tải thay vì để cảm xúc cá nhân chi phối và vội vàng phán xét người nói - đó chính là người có tư duy cầu tiến.
Mở rộng kiến thức và kỹ năng mới sẽ giúp bạn phát triển tư duy và nâng cao năng lực bản thân. Để làm được điều này, bạn có thể đọc sách, tham gia các khóa học chuyên ngành, học hỏi thêm từ mentor, v.v..
Ngoài ra, việc liên tục thử thách bản thân với những điều mới mẻ sẽ giúp bạn phát triển khả năng thích nghi và vượt qua nỗi sợ hãi, từ đó tạo đà cho việc hình thành tư duy cầu tiến.
Hãy chú ý đến những gì bạn nói với chính mình mỗi ngày. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, hãy sử dụng những lời tự động viên tích cực để thúc đẩy bản thân.
Bạn cần phải tự kỷ luật để rèn luyện được một tư duy phát triển, nhưng cũng hãy học cách tha thứ cho bản thân và tiếp tục tiến về phía trước khi gặp phải sai lầm.
Bằng việc hiểu được mindset là gì và lợi ích của mindset tích cực, bạn hoàn toàn có khả năng tiến xa hơn trong sự nghiệp thông qua việc rèn cho bản thân một lối tư duy phát triển.
Bên cạnh tư duy phát triển, thì tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, và tư duy hệ thống cũng rất quan trọng trong môi trường công sở. Mỗi loại mindset này đều có những lợi thế riêng, nhưng đồng thời cũng bổ trợ lẫn nhau.
Bằng cách kết hợp và phát triển những tư duy tích cực này, bạn có thể tạo ra một phương pháp làm việc linh hoạt và hiệu quả cho riêng mình. Cake chúc bạn thành công!
--- Tác giả: Dasie Pham ---
Explore a range of job search tools and resources to achieve your dream career goals. Join the fastest-growing talent platform in the APAC region and expand your professional network.