Outsource là gì? Công ty Outsource và Product có gì khác nhau?

outsource-la-gi
Công ty Outsource và Product có gì khác nhau?

“Outsource” (hay “thuê ngoài”) đã trở thành một hiện tượng toàn cầu kể từ những năm 1990. Sự phát triển của Internet và một thế giới hội nhập hơn giúp nhiều công ty hưởng lợi từ việc thuê ngoài nguồn lao động giá rẻ của các nước khác. Nhờ vậy, “outsource” kết hợp cùng với những bí quyết tuyển dụng nhân sự hiệu quả, đã phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ bài toán thiếu hụt nguồn lực con người.

Tuy nhiên, để trở thành người dẫn đầu trong thị trường đầy tiềm năng này, điều tiên quyết trước nhất là chủ doanh nghiệp phải hiểu rõ bức tranh toàn cảnh, bao gồm khái niệm “Outsource là gì?”, ví dụ về outsourcing, “sự khác nhau giữa outsource và product là gì?”, những loại hình công ty outsource. 

Hành trình đi đến những quyết định đúng đắn tiếp theo và đạt được mục tiêu kinh doanh sẽ không còn gian nan, bởi bài viết này sẽ “bóc tách” tất cả những gì bạn cần biết về “Outsource”.

Outsource là gì?

“Outsource” hay “Outsourcing” là hình thức thuê một công ty bên thứ ba để thực hiện các nhiệm vụ hoặc công việc mà thường được xử lý trong nội bộ bởi chính các nhân viên của công ty.

Ví dụ, Apple thuê ngoài việc sản xuất các sản phẩm tại Trung Quốc và Việt Nam. Trong một thời gian dài, chiến lược này giúp Apple tiết kiệm chi phí lao động đáng kể, đồng thời hưởng lợi các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. 

Để quyết định có nên thuê ngoài hay không, công ty outsource là gì và công ty product là gì cũng là hai trong số nhiều câu hỏi liên quan được đặt ra, và cân nhắc nhiều.

Khác biệt cơ bản nhất giữa loại hình công ty outsource và product là tính sở hữu. Thực tế, các doanh nghiệp làm outsource được thuê để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu khách hàng, nên sản phẩm hay dịch vụ làm ra sẽ không thuộc sở hữu của họ. Ngược lại, một công ty product phụ thuộc vào việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ để phát triển. Vì vậy, công ty product thường đảm nhiệm mọi khâu từ lúc lên ý tưởng đến khi phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng cuối.

Sự khác nhau về cách thức hoạt động khiến hai loại hình doanh nghiệp trên có những mục tiêu kinh doanh khác nhau. Nếu trọng tâm của một công ty product là làm hài lòng người dùng cuối bằng tính hữu ích, tiện dụng, dễ sử dụng của sản phẩm, thì công ty outsource chỉ cần quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ outsource theo yêu cầu trong ngân sách cho phép.

Các loại hình công ty outsource phổ biến

Có nhiều loại hình công ty outsource trên thế giới, điển hình là:

Professional Outsourcing

Hình thức này dành cho những doanh nghiệp có nhu cầu ký hợp đồng với các chuyên gia để xử lý nhiều nhiệm vụ nhỏ, thay vì “outsource” toàn bộ chức năng. Các bên cung cấp Professional Outsourcing có thể tham gia vào lĩnh vực kế toán, pháp lý, mua hàng, công nghệ thông tin (CNTT) hoặc cung cấp một số hỗ trợ hành chính cho khách hàng của họ.

Là một trong những loại hình thuê ngoài phổ biến nhất, Professional Outsourcing có ưu điểm tiết kiệm chi phí. Cụ thể, bạn chỉ cần trả tiền cho những dịch vụ outsource thực sự được cung cấp. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn loại hình này khi họ chỉ cần những dịch vụ một lần, hoặc nhằm xử lý khối lượng công việc tăng đột biến.

Accenture là một ví dụ về công ty Professional Outsourcing nổi tiếng toàn cầu, chuyên hỗ trợ các công việc kế toán, pháp lý, và hành chính.

IT Outsourcing

Nếu bạn có nhu cầu về các dịch vụ CNTT cụ thể hoặc đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ, IT Outsourcing chắc chắn là lựa chọn tốt. Ngoài ra, hình thức “outsource” này cũng mang lại nhiều lợi ích cho những công ty mới thành lập cần được hỗ trợ về mặt duy trì bảo mật, cập nhật giấy phép, lưu trữ, hay quản lý dữ liệu.

Những “người chơi chính” trong lĩnh vực “outsource” trên bao gồm Infosys, TCS hay IBM, với các dịch vụ được cung cấp phổ biến như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu và bảo mật.

Manufacturing Outsourcing

Có nhiều nguyên nhân khiến Manufacturing Outsourcing trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các công ty thuộc mọi quy mô. Chẳng hạn như doanh nghiệp tại nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động lành nghề hoặc việc tăng doanh số bán hàng đòi hỏi thêm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất hàng loạt. Việc outsource nhằm giảm chi phí liên quan đến nhà máy, công nhân, thiết bị, cơ sở hạ tầng và nguyên vật liệu.

Nhắc đến lĩnh vực làm outsource sản xuất, phải điểm qua một số cái tên như Foxconn, Flextronics và Jabil, thuộc nhóm công ty thiết bị điện tử, và nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới.

Project Outsourcing

Mục tiêu của mọi công ty cơ bản đều giống nhau, mở rộng thị phần và tối đa hóa lợi nhuận. Để làm được điều đó, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách hoàn thành những dự án cực kỳ phức tạp và tốn thời gian. Tuy nhiên, những thách thức như thiếu thời gian, kỹ năng, nhân lực hoặc kinh phí thường không dễ dàng đối mặt. 

Việc hợp tác với các công ty outsource, đặc biệt trong lĩnh vực Project Outsourcing là chiến lược nhiều người chọn lựa. Mục đích nhằm kết nối với đội ngũ nhân viên có chuyên môn, và/hoặc quản lý dự án chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. 

Công ty có thể thuê ngoài để quản lý toàn bộ hoặc chỉ một phần của một dự án. Một số loại dự án thuê ngoài có thể kể đến như thiết kế lại trang web, tạo các chiến dịch tiếp thị,... 

Các công ty cung cấp dịch vụ outsource trong quản lý dự án phổ biến bao gồm Accenture, Capgemini, CGI,...

Operational Outsourcing

Operational Outsourcing đề cập đến việc ủy ​​thác các nhiệm vụ chuyên biệt trong công ty như tiếp thị, phát triển sản phẩm, quản lý chuỗi cung ứng,... cho một bên thứ ba. Loại hình dịch vụ outsource này rất phổ biến trong ngành sản xuất, nhưng cũng hữu ích với các công ty dịch vụ cần hỗ trợ thiết kế cảnh quan và giao hàng.

Bên cạnh khả năng nâng cao chất lượng tổng thể của sản phẩm/dịch vụ, các ưu điểm khác của Operational Outsourcing phải kể đến như tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và giúp quản lý vận hành tốt hơn.

Doanh nghiệp nên tham khảo một số công ty outsource hoạt động chính trên thị trường như Aon Hewitt, Sitel, Teleperformance,...

Ưu và nhược điểm khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ outsource

Ưu điểm

✅ Tiết kiệm chi phí

“Outsource” có thể giúp các công ty tiết kiệm chi phí lương, phúc lợi hoặc các khoản chi tiêu khác so với việc thuê nhân viên nội bộ. Nhờ khả năng tiếp cận mạng lưới nhân tài toàn cầu, các công ty cũng dễ dàng tìm thấy nhiều ứng viên có trình độ, đáp ứng nhu cầu ở các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ.

quan-ly-nhan-su-la-gi
Đọc thêm: Cách quản lý nhân viên hiệu quả nhà quản lý cần biết

✅ Tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn mới

Vừa tiết kiệm lại vừa giúp đạt mục đích - cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có, các dịch vụ outsource rất “được lòng” doanh nghiệp. Đặc biệt, những tổ chức muốn thông qua việc “outsource” tiếp cận với người lao động có kinh nghiệm, chuyên môn khác nhưng bắt kịp xu hướng mới. Công ty “outsource” thay thế chiến thuật truyền thống - dành nguồn lực để đào tạo nhân viên nội bộ.  

✅ Tập trung vào năng lực cốt lõi

Thuê ngoài là một cách hiệu quả để các công ty tập trung vào năng lực cốt lõi nhưng vẫn tăng cường đổi mới, ngày càng cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để làm những gì tốt nhất cho sự phát triển chung của tổ chức.

✅ Cải thiện hiệu quả và năng suất

 Dịch vụ outsource có thể giúp các công ty giải phóng nguồn lực nội bộ để tập trung vào những nhiệm vụ khác, giúp cải thiện hiệu quả và năng suất làm việc.

✅ Tăng tính linh hoạt

“Outsource” cũng giúp tăng tính linh hoạt, cho phép công ty tăng hoặc giảm quy mô hoạt động dễ dàng hơn.

✅ Tăng cường khả năng cạnh tranh

Bằng cách giảm chi phí, cải thiện hiệu quả và tăng cường đổi mới, các công ty khẳng định được vị thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Nhược điểm

❌ Mất kiểm soát

Một số quyền kiểm soát có thể bị mất nếu chủ doanh nghiệp quyết định thuê ngoài. Chẳng hạn như, khách hàng không có quyền kiểm soát trực tiếp với cách thức chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ outsource này.

❌ Rủi ro bảo mật

Luôn có khả năng dữ liệu nhạy cảm bị xâm phạm khi bạn thuê ngoài. Điều này đặc biệt quan trọng với những công ty công nghệ. Vì vậy, các bước để giảm thiểu rủi ro cần được xem xét cẩn thận.

❌ Thách thức về giao tiếp

Thách thức về giao tiếp thường xảy ra ở những doanh nghiệp phụ thuộc vào nhà cung cấp bên thứ ba. Tuy nhiên, tình trạng trên có thể khắc phục bằng cách chuẩn bị sẵn những kênh liên lạc phù hợp để đảm bảo việc cập nhật thông tin không bị gián đoạn.

❌ Rủi ro bị đánh cắp tài sản trí tuệ

Tính vô hình của tài sản trí tuệ là yếu điểm khiến nó dễ bị đánh cắp hơn hẳn các loại tài sản khác trong một doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao nhiều chủ công ty trở nên thận trọng hơn với việc chia sẻ bí mật công nghệ, hoặc thông tin nội bộ cho đối tác outsource. Hầu hết trường hợp đều cần các thỏa thuận rõ ràng trước khi “bắt tay vào việc” .

Kết luận:

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc làm outsource sẽ gây “chảy máu chất xám” và dường như đó không phải là cuộc chơi công bằng với những nước đang phát triển, nhưng không thể phủ nhận “outsource” vẫn đang là xu hướng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Nghiên cứu mới nhất của Grand View Research dự đoán việc thuê ngoài trên toàn cầu sẽ đạt đến 525,5 tỷ USD vào năm 2023 và mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ 2023 - 2030. Có thể thấy thuê ngoài là lời giải hiệu quả cho các doanh nghiệp với nút thắt “thiếu hụt nhân sự” khó tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu cẩn thận “outsource là gì?”, cũng như các thông tin liên quan là ưu tiên quan trọng giúp ra quyết định đúng đắn. 

Cake giúp doanh nghiệp tối ưu quá trình tìm kiếm ứng viên trong thời gian ngắn nhất với mạng lưới xuyên quốc gia cùng công nghệ chọn lọc thông minh. Tạo tài khoản ngay hôm nay để khám phá các giải pháp tuyển dụng hiệu quả và thu hút nhân tài tiềm năng cho doanh nghiệp của bạn. 

--- Tác giả bài viết: Vera Le ---

More Articles you might be interested in

Latest relevant articles
People Operations
Nov 1st 2024

SWOT là gì? Giải mã “sức mạnh” của mô hình SWOT

Hiểu rõ mô hình SWOT sẽ cung cấp cho bạn một bức tranh toàn diện về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và xây dựng được các chiến lược phát triển phù hợp trong tương lai.