8+ câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng phổ biến không thể bỏ qua

phong-van-nhan-vien-ban-hang
Chủ đề của các câu hỏi phỏng vấn thường gặp

Bạn đam mê giao tiếp và thích thú với việc giải quyết những vấn đề cho khách hàng? Bạn muốn thử sức với công việc bán hàng nhưng lại chưa biết cách trả lời câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng của nhà tuyển dụng? 

Công việc này đòi hỏi bạn tương tác với khách hàng và thuyết phục họ mua sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Do đó, việc thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn bán hàng cũng chính là cách để bạn chứng minh năng lực của bản thân với nhà tuyển dụng. Trong bài viết này, hãy cùng Cake tìm hiểu cách trả lời phỏng vấn xin việc bán hàng sao cho thật hay và cuốn hút để bạn tự tin chinh phục mọi câu hỏi nhé!

Những câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng cơ bản

1. Giới thiệu bản thân

Phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn sẽ quyết định những ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn.

Ngoài các thông tin cơ bản như họ tên, trình độ học vấn, hãy nhấn mạnh cả mục tiêu nghề nghiệp cũng như các kỹ năng, điểm mạnh giúp bạn thành công trong công việc. Đừng quên giữ thái độ chân thành, cởi mở để buổi phỏng vấn nhân viên bán hàng được diễn ra thật suôn sẻ!

Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn nhân viên bán hàng:

“Em chào anh/chị. Em tên là Linh, tốt nghiệp trường Đại học Thương mại ngành Quản trị Kinh doanh. Em đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán đồ điện tử. Trong thời gian làm việc, em đã học hỏi và phát triển các kỹ năng của mình, đặc biệt là khả năng xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng. Em luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và luôn cố gắng tìm cách để đáp ứng nhu cầu của họ. Em tin rằng em là ứng viên phù hợp để trở thành một phần của đội ngũ bán hàng và đóng góp vào sự phát triển của công ty."

2. Kinh nghiệm làm việc

Mặc dù đã được liệt kê khi tạo CV online, bạn vẫn cần trình bày rõ hơn về kinh nghiệm làm việc để xác thực và làm rõ thông tin với nhà tuyển dụng. 

Những câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng sẽ không chỉ xoay quanh nhiệm vụ đã thực hiện mà còn liên quan đến cách giải quyết các vấn đề trong công việc. Khi đó, hãy đưa ra những ví dụ cụ thể, vừa để chứng minh năng lực bản thân mà lại tăng tính thuyết phục cho câu trả lời của bạn.

Hãy nêu những nhiệm vụ và thành tích bạn đạt được khi làm việc tại công ty A?

“Khi đảm nhận vị trí bán hàng tại công ty A, em chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của công ty, đồng thời quản lý mối quan hệ với khách hàng hiện tại. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, em đã đạt chỉ tiêu doanh số hàng tháng, vượt 15% so với mục tiêu đề ra và tìm được hơn 20 khách hàng mới cho công ty."

3. Kỹ năng

Đối diện với câu hỏi về kỹ năng trong quá trình trả lời phỏng vấn xin việc, bạn nên tập trung vào những gì bạn đã phát triển trong quá trình học tập và làm việc - sẽ càng tuyệt hơn nếu đó là những kỹ năng như đàm phán, quản lý thời gian,... Hay nếu bạn đã có kinh nghiệm, đưa ra những trường hợp bạn đã áp dụng thành công những kỹ năng này cũng là một cách để bạn ghi thêm điểm khi trả lời câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng nữa đó.

Bạn có những kỹ năng gì để có thể làm tốt công việc này?

“Em tin rằng mình có những kỹ năng cần thiết cho công việc này. Đầu tiên, em có khả năng giao tiếp tốt, điều này cho phép em trao đổi, đàm phán với khách hàng, đối tác một cách tự tin và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian giúp em sắp xếp công việc một cách hiệu quả, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của khách hàng."

Đọc thêm: Phân biệt kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm

4. Vị trí & Công ty ứng tuyển

Khi được hỏi về vị trí và công ty ứng tuyển trong buổi phỏng vấn bán hàng, bạn nên trả lời thật chi tiết để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã tìm hiểu và thực sự quan tâm đến công việc. Bạn cũng có thể đề cập đến những nhiệm vụ trong vị trí đó mà bạn thấy thú vị, hoặc thể hiện rằng công ty có những giá trị phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp và định hướng trong tương lai của bạn.

Tại sao bạn ứng tuyển vào vị trí này?

“Em muốn vào làm trong vị trí này vì em rất yêu thích lĩnh vực kinh doanh và bán hàng, em muốn thử thách bản thân ở môi trường mới và em tin rằng công việc này sẽ giúp em rèn luyện nhiều kỹ năng cho bản thân. Hơn nữa, sau khi tìm hiểu, em cũng rất ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp của công ty, vì vậy em hy vọng có thể trở thành một phần trong đội ngũ của công ty mình."

5. Mức lương mong muốn

Mức lương mong muốn có lẽ là câu hỏi nhiều người cảm thấy khó khăn nhất trong các câu hỏi tuyển dụng nhân viên bán hàng, vì nếu đưa ra con số không hợp lý, bạn có thể sẽ đánh mất đi cơ hội của mình. 

deal-luong-khi-phong-van
Cách deal lương khi phỏng vấn

Mức lương mong muốn của bạn cho vị trí này là bao nhiêu?

“Mức lương em mong muốn cho vị trí này là trong khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Em tin rằng đây là một mức lương phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình, để em có thể gắn bó và cống hiến cho sự phát triển của công ty."

Đọc thêm: Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp kèm kịch bản trả lời

Câu hỏi tình huống phỏng vấn nhân viên bán hàng

Trả lời câu hỏi tình huống phỏng vấn nhân viên bán hàng đòi hỏi ứng viên phải nhạy bén và nhanh chóng tìm ra giải pháp. Qua đó, nhà tuyển dụng sẽ thấy được cách bạn xử lý các tình huống khác nhau tại nơi làm việc và đánh giá liệu bạn phù hợp với vị trí đó hay không.

1. Phỏng vấn nhân viên bán hàng siêu thị

Theo kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên bán hàng siêu thị, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến khả năng tư vấn và giải đáp thắc mắc của khách hàng của những ứng viên ứng tuyển vào vị trí này. Do đó, khi trả lời những câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng siêu thị này, bạn nên đưa ra các cách xử lý cụ thể, đồng thời thuyết phục nhà tuyển dụng rằng giải pháp đó là hợp lý và hiệu quả nhất.

Bạn đã từng đối mặt với một khách hàng khó tính? Làm thế nào để giải quyết tình huống đó?

“Tôi đã gặp nhiều khách hàng khó tính trong quá trình bán hàng của mình. Trong một trường hợp, một khách hàng không hài lòng với sản phẩm và yêu cầu hoàn trả tiền. Tôi đã lắng nghe để hiểu được suy nghĩ của khách hàng và giải thích chi tiết về chính sách hoàn tiền của cửa hàng. Sau đó, để giúp họ lựa chọn sản phẩm phù hợp, tôi đã tư vấn và giới thiệu sản phẩm tương tự với giá thành hợp lý hơn. Tôi luôn hướng đến việc tìm ra cách giải quyết tình huống một cách chuyên nghiệp và tạo sự hài lòng cho khách hàng."

2. Phỏng vấn nhân viên bán hàng thời trang

Câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng thời trang được đặt ra không chỉ nhằm đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm của ứng viên, mà còn kiểm tra kiến thức của bạn trong lĩnh vực này. Hãy khéo léo lồng ghép những hiểu biết của bạn về thời trang khi trả lời, qua đó bạn sẽ phô bày được năng lực của bản thân, tăng cơ hội nhận được vé vào vòng kế tiếp.

Nếu khách hàng đến cửa hàng và muốn tìm kiếm sản phẩm theo xu hướng mới nhất, bạn sẽ làm gì để giúp họ tìm được sản phẩm phù hợp nhất?

“Trong trường hợp này, tôi sẽ bắt đầu bằng việc hỏi khách hàng về những yêu cầu cụ thể của họ như phong cách yêu thích, kích thước và mức giá mong muốn, sau đó hướng dẫn họ đến khu vực sản phẩm tương ứng và giới thiệu các sản phẩm mới nhất của cửa hàng. Nếu sản phẩm đó không phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tôi sẽ tìm kiếm và giới thiệu những sản phẩm khác mà tôi tin rằng sẽ phù hợp hơn."

3. Phỏng vấn sale ô tô 

Kinh nghiệm phỏng vấn sale ô tô cho thấy, muốn thành công trong vị trí này, ứng viên cần có sự tự tin và kiến thức chuyên môn vững vàng. Nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về cách thuyết phục, giải đáp thắc mắc của khách hàng, cũng như cách tư vấn khách hàng chọn xe phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, sở hữu kỹ năng giao tiếp và hiểu biết về sản phẩm, thị trường sẽ là lợi thế rất lớn cho bạn.

Nếu khách hàng không thể đạt được giá mong muốn, bạn sẽ làm gì để thuyết phục họ mua sản phẩm?

“Tôi sẽ lắng nghe và cố gắng hiểu khách hàng bằng cách hỏi họ về nguyên nhân không muốn mua với giá hiện tại. Nếu lý do là do giá cao, tôi sẽ cố gắng giải thích về giá trị của sản phẩm và tại sao giá đó là hợp lý, đồng thời đưa ra các tính năng và lợi ích của sản phẩm.
Nếu vẫn không thuyết phục được, tôi sẽ đề xuất các sản phẩm khác có giá trị tương tự để khách hàng có thể lựa chọn. Trong mọi trường hợp, tôi sẽ tôn trọng quyết định của khách hàng và cố gắng tìm kiếm giải pháp phù hợp để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. "

Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên bán hàng

Những người đã có kinh nghiệm có lẽ đều biết rằng chỉ tập trung vào những câu hỏi khi phỏng vấn nhân viên bán hàng là chưa đủ. Để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao hơn, bạn cần lưu ý những điều sau đây. 

  • Chọn những bộ đồ đơn giản, lịch sự cho buổi phỏng vấn nhân viên bán hàng. Tránh mặc trang phục có màu sắc quá sặc sỡ, tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp.
  • Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ để việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn không gặp quá nhiều khó khăn.
  • Chuẩn bị trước kịch bản trả lời cho các câu hỏi thường gặp. Điều này sẽ giúp cách trả lời phỏng vấn nhân viên bán hàng của bạn được trôi chảy và tự nhiên.
  • Gửi email cảm ơn để thể hiện sự chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tích cực trong mắt nhà tuyển dụng.  


Kết luận:

Trả lời tốt câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng là điều quan trọng để giành được vị trí mà bạn mong muốn. Chỉ cần bạn luyện tập và chuẩn bị trước theo bài viết này của Cake, chẳng một câu hỏi phỏng vấn bán hàng nào có thể làm khó bạn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên “chăm chút” khi tạo CV online để biến bản thân trở thành một ứng viên sáng giá nhé!

Công cụ tạo CV online trên Cake cung cấp hơn 500 mẫu CV miễn phí đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với hồ sơ xin việc chuyên nghiệp ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Lan Nguyen ---

訂閱 Cake 電子報,加速實現職涯夢想

  • 職涯雙週報新知
  • 產業趨勢與軟硬技能建議
  • 最新職缺 / 找工作資訊
Newsletter

線上履歷工具

製作一份能幫你獲得面試機會的履歷。免費下載 PDF。

更多您可能有興趣的文章

最新相關文章
面試技巧
2024年10月25日

Phỏng vấn câu lạc bộ: Xem ngay 8 câu trả lời phỏng vấn hay

Trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn câu lạc bộ là cách duy nhất bạn cần làm. Trong bài viết này, Cake sẽ bật mí cho bạn các mẹo hay để bạn dễ dàng “win game” trong buổi phỏng vấn câu lạc bộ nhé!