Cách viết email từ chối phỏng vấn một cách khéo léo

thu-tu-choi-phong-van
Lưu ý khi gửi thư từ chối phỏng vấn

Khi xin việc, hầu hết mọi người đều gửi hồ sơ ứng tuyển nhiều công việc cùng lúc nhằm tăng cơ hội tìm được việc làm. Nhưng nếu bạn đã tìm được vị trí phù hợp và bỗng nhiên nhận được thư mời phỏng vấn từ công ty bạn từng ứng tuyển. Khi đó bạn sẽ xử lý như nào?

Thay vì im lặng, bạn nên gửi email từ chối phỏng vấn. Bởi việc trả lời thư mời của nhà tuyển dụng cũng chính là một phép lịch sự, thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với công ty mời phỏng vấn. 

Tuy nhiên, từ chối thư mời phỏng vấn sao cho không gây mất lòng cũng không hề đơn giản. Nhiều ứng viên quên không gửi thư trả lời, hoặc không biết cách trả lời email từ chối phỏng vấn sao cho khéo léo cũng khiến để lại ấn tượng không tốt trong mắt nhà tuyển dụng, dễ gây ảnh hưởng đến các cơ hội của bạn trong tương lai.

Chắc hẳn nhiều bạn khi đọc đến đây sẽ cảm thấy viết thư từ chối phỏng vấn thật khó khăn, còn khó hơn cả viết mail xác nhận phỏng vấn. Nhưng không cần lo lắng thêm nữa, bởi Cake sẽ bật mí cho bạn cách từ chối lời mời phỏng vấn cũng như cung cấp các mẫu thư từ chối nhà tuyển dụng. Hãy cùng đọc và tìm hiểu nhé!

Vì sao cần gửi email từ chối phỏng vấn?

Sau khi bạn nộp hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng sẽ xem xét và gửi lời mời hẹn phỏng vấn để gặp mặt và trao đổi trực tiếp. Khi đó, bạn có thể cân nhắc để lựa chọn có chấp nhận tham gia phỏng vấn hay không. Nếu bạn quyết định từ chối email phỏng vấn, bất kể vì lý do gì, bạn cũng nên thông báo cho nhà tuyển dụng biết. Việc làm này vô cùng cần thiết bởi những lý do sau:

  • Để nhà tuyển dụng nắm được thông tin: Viết email từ chối phỏng vấn sẽ giúp nhà tuyển dụng nắm được tình hình, kịp thời đưa ra những phương án tìm kiếm nhân sự thay thế, tránh ảnh hưởng tới kế hoạch của công ty.
  • Thể hiện sự chuyên nghiệp: Bạn sẽ được đánh giá cao hơn trong mắt nhà tuyển dụng nếu biết cách từ chối lời mời phỏng vấn lịch sự, đúng mực. Khi đó, với ấn tượng tốt mà bạn để lại, nhà tuyển dụng có thể sẽ lưu lại hồ sơ của bạn nếu có vị trí phù hợp trong trong tương lai.
  • Tạo cơ hội cho ứng viên khác: Việc trả lời thư mời chậm trễ có thể sẽ lấy mất đi cơ hội phỏng vấn của những người còn lại. Do đó, bạn nên viết thư từ chối nhà tuyển dụng sớm nhất có thể để nhà tuyển dụng có thể sắp xếp phỏng vấn cho các ứng viên mới.

Viết email từ chối phỏng vấn như thế nào?

Tương tự như việc viết email xin việc sao cho chuyên nghiệp, bạn cũng cần nắm được cách từ chối phỏng vấn giúp ghi điểm với nhà tuyển dụng:

1. Lời chào

Khi viết thư từ chối phỏng vấn cho nhà tuyển dụng, hãy bắt đầu bằng một lời chào trân trọng. Bạn có thể mở đầu thư mời bằng “Kính chào/ Kính gửi” đi kèm với tên người nhận và chức vụ/ phòng ban làm việc. 

Để có thể xác định chính xác người mà bạn sẽ gửi mail từ chối phỏng vấn tới, hãy kiểm tra phần ký tên của thư mời phỏng vấn. Nếu không tìm thấy thông tin, bạn có thể gửi tới bộ phận tuyển dụng của công ty. 

Ví dụ: Kính gửi Phòng tuyển dụng nhân sự công ty A

2. Nội dung chính

2.1. Mở đầu bằng lời cảm ơn tới nhà tuyển dụng

Bất kể khi bạn chấp nhận lời mời phỏng vấn hay trả lời thư từ chối của nhà tuyển dụng, đừng quên gửi một lời cảm ơn thật chân thành. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất trân trọng khoảng thời gian họ bỏ ra để xét duyệt hồ sơ cũng như đã dành cho bạn lời mời phỏng vấn quý giá này. 

Chỉ một lời cảm ơn đơn giản nhưng chắc chắn bạn sẽ để lại được thiện cảm đối với người đọc thư rồi đó!

2.2. Lý do từ chối phỏng vấn

Để được rõ ràng, bạn nên xác nhận không thể tham gia phỏng vấn, sau đó mới nêu ra lý do. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ứng viên từ chối lời mời phỏng vấn. Nhưng bất kể là lý do gì, bạn nên tìm cách từ chối phỏng vấn khéo léo. Không nên trả lời vòng vo, tốt nhất là trực tiếp trình bày rõ ràng để nhà tuyển dụng nắm được lý do bạn từ chối. 

Tuy nhiên khi viết phần này, hãy thận trọng và cân nhắc để đưa ra lý do phù hợp, tránh gây mất lòng nhà tuyển dụng. Bạn không cần đề cập quá chi tiết mà chỉ cần ngắn gọn để người đọc đủ hiểu, cũng như cần tránh những vấn đề tế nhị như lương thấp, điều kiện, môi trường làm việc không tốt, công việc khó phát triển,... 

5 lý do từ chối phỏng vấn bạn có thể sử dụng là:

  • Thời gian phỏng vấn không phù hợp.
  • Bạn đã chấp nhận đề nghị làm việc từ một công ty khác.
  • Công việc không còn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bạn.
  • Bạn hài lòng với vị trí hiện tại, không có ý định thay đổi công việc.
  • Bạn đã thay đổi chỗ ở, di chuyển đến nơi ở khác.

2.3. Bày tỏ sự tiếc nuối khi từ chối

Sau khi nêu lý do từ chối lời mời phỏng vấn, hãy thể hiện sự tiếc nuối khi chưa thể hợp tác và mong họ thông cảm. Khi thấy được bạn trân trọng lời mời phỏng vấn đến từ công ty như vậy, có khả năng nhà tuyển dụng sẽ tìm đến bạn nếu họ cảm thấy có một vị trí khác phù hợp hơn trong tương lai.

2.4. Đề xuất một ứng viên khác

Nếu đây là một doanh nghiệp tốt, đồng thời trong các mối quan hệ của bạn có người thích hợp và quan tâm với vị trí này, đừng ngần ngại giới thiệu ứng viên đó với nhà tuyển dụng ngay trong thư từ chối phỏng vấn. Ngoài việc tạo cơ hội việc làm mới cho người bạn của mình, việc làm này cũng sẽ thể hiện thiện chí của bạn muốn giúp công ty nhanh chóng tuyển được nhân viên phù hợp.

Ví dụ nội dung email từ chối phỏng vấn: 

Em xin chân thành cảm ơn Quý công ty đã cân nhắc cho em cơ hội phỏng vấn ở vị trí Graphic Designer. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, em xin phép được từ chối lời mời phỏng vấn do sắp tới em không còn ở Việt Nam. 

mail-hoi-ket-qua-phong-van
Đọc thêm: Mail hỏi kết quả phỏng vấn viết như thế nào?

3. Lời chúc và chữ ký cuối thư

Một email từ chối phỏng vấn chuyên nghiệp không thể thiếu một lời chúc sức khỏe hoặc thành công tới công ty. Một lời chúc tuy nhỏ nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn “ghi điểm” và để lại dấu ấn với nhà tuyển dụng. 

Ngoài ra, bạn cũng đừng quên để lại các thông tin liên lạc qua phần chữ ký cuối thư để nếu có cơ hội hợp tác khác trong tương lai, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên hệ với bạn. 

Cách kết thúc email từ chối phỏng vấn: 

Em chúc Quý công ty cũng như Anh/Chị thật nhiều thành công!

Regards,
Minh Hằng

📍Tìm hiểu thêm 15+ kỹ năng phỏng vấn xin việc thành công giúp bạn vượt qua hàng trăm ứng viên khác nhé!

Gửi email từ chối phỏng vấn cần lưu ý những gì?

✅ Suy nghĩ kỹ trước khi từ chối: 

Hãy đảm bảo rằng bạn hoàn toàn chắc chắn về quyết định từ chối lời mời phỏng vấn của mình, bởi một khi bạn đã từ chối, bạn sẽ không thể rút lại. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi gửi thư từ chối phỏng vấn để tránh việc bạn hối tiếc về quyết định của mình nhé!

✅ “Reply All": 

Sử dụng “Reply All” hay “Trả lời tất cả” là cách từ chối phỏng vấn hữu hiệu nhất, giúp cho người gửi thư mời và cả những người liên quan đến việc tuyển dụng cũng sẽ nhanh chóng nắm được thông tin phản hồi từ bạn.

✅ Từ chối lời mời phỏng vấn sớm nhất có thể: 

Bạn không nhất thiết phải gửi thư từ chối phỏng vấn ngay lập tức, nhưng nên gửi càng sớm càng tốt - để nhà tuyển dụng có thời gian sắp xếp và liên lạc với các ứng viên khác.

Đừng lo lắng hành động này sẽ gây mất lòng, bởi cách từ chối phỏng vấn khéo léo là phải giúp người khác hoàn thành công việc của họ thuận tiện hơn.

❌ Chèn emoji, icon: 

Thói quen này chỉ phù hợp khi nhắn tin, chứ cực kỳ tốt kỵ đối với cách viết email công việc chuyên nghiệp, bởi việc chèn emoji sẽ làm mất đi tính trang trọng của môi trường công sở, đặc biệt là thư từ chối phỏng vấn.

Lưu ý: Viết email từ chối phỏng vấn với emoji là hành động bất lịch sự, và cho thấy thái độ thiếu thiện chí, cũng như không tôn trọng người khác. Bạn đừng mắc phải lỗi này và để nhà tuyển dụng đánh giá thấp, ảnh hưởng đến cơ hội về sau nhé!

❌ Viết quá cụt lủn hoặc quá dài dòng: 

Dù bạn viết email từ chối phỏng vấn hay bất kỳ email nào, hãy tạo thói quen viết ngắn gọn, súc tích. Tránh trình bày cụt lủn hoặc quá lan man, dài dòng khiến người đọc khó nắm được trọng tâm.

❌ Mắc lỗi chính tả: 

Trước khi nhấn gửi thư từ chối xin việc, hãy đọc lại toàn bộ email một lần nữa và soát lại các lỗi chính tả. Đặc biệt trong trường hợp từ chối phỏng vấn bằng tiếng Anh, hãy chắc chắn bạn không mắc lỗi về sử dụng từ hay ngữ pháp. Nếu vẫn chưa yên tâm, bạn có thể sử dụng các công cụ như Grammarly để kiểm tra lại.

lan-dau-di-phong-van-xin-viec
8 điều tối kỵ trong lần đầu đi phỏng vấn xin việc

Mẫu email từ chối phỏng vấn (free download)

Mẫu thư từ chối phỏng vấn bằng tiếng Việt

Tiêu đề: Từ chối phỏng vấn - Vị trí [......]

Kính gửi Phòng tuyển dụng công ty [......],

Tôi là [......]. Tôi xin chân thành cảm ơn lời mời tới phỏng vấn cho vị trí [......] của Quý công ty. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định từ chối lời mời phỏng vấn, do vị trí này không còn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của tôi. 

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn lời mời phỏng vấn từ Quý công ty. Tôi hy vọng Quý công ty sẽ sớm tìm được người phù hợp cho vị trí này.

Kính chúc Quý công ty thật nhiều sức khỏe và đạt được thành công trong thời gian tới!

Trân trọng,
[Ký tên]

Mẫu thư từ chối phỏng vấn bằng tiếng Anh

Subject: Invitation to Interview for the Sales Assistant Position

Dear Hiring Manager,

It is my honor to receive your offer to interview for the position of [......]. I really appreciate your time to review my application.

Unfortunately, I have accepted another job offer recently. I regret to inform you that I could not join the interview.

Thank you again for your time and consideration. I hope we will have an opportunity to cooperate in the near future!

Sincerely,
[Ký tên]

Mẫu thư từ chối phỏng vấn bằng tiếng Trung

Tiêu đề mail: 面試拒絕涵—行銷助理職位

李小姐 您好,

很榮幸得到貴公司的行銷助理職位之面試邀請。不過,因為我目前已經搬到別的城市居住,故不能接受貴公司的面試邀請。

雖然沒能為貴公司效力,但我也很感謝您給與我了解貴公司的機會。祝您早日尋得適合的人才。

祝貴公司早蓬勃發展,日勝一日!

【姓名】

📍 Tham khảo 5 kiểu phỏng vấn xin việc thường gặp này để chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn nhé!

Kết luận:

Từ chối phỏng vấn không phải là việc hiếm thấy trong thị trường tuyển dụng sôi động như hiện nay. Theo khảo sát của  Anphabe vào năm 2022, có đến hơn 60% các bạn trẻ Gen Z nhảy việc trong năm đầu tiên. Và lý do thì rất đa dạng: mức lương không như mong đợi, môi trường làm việc chưa đủ hấp dẫn,... Vậy liệu những lý do này có nên được đưa vào email từ chối phỏng vấn? Câu trả lời chắc chắn là không

Trên đây là những kinh nghiệm giúp bạn từ chối phỏng vấn một cách khéo léo, cùng 4 mẫu email từ chối phỏng vấn Anh - Việt - Trung chuyên nghiệp nhất. Những mẫu email này giúp bạn không chỉ không làm “phật lòng” nhà tuyển dụng mà còn để lại ấn tượng tốt với họ, tạo nền tảng cho những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Công cụ tạo CV online trên Cake cung cấp hơn 500 mẫu CV miễn phí đa ngành nghề và các bài viết về tip làm CV hữu ích. Hãy thu hút nhà tuyển dụng và chinh phục công việc mơ ước với hồ sơ xin việc chuyên nghiệp ngay hôm nay!

--- Tác giả bài viết: Lan Nguyen ---

3 lợi ích khi đăng ký nhận thông báo từ Cake

  • Không bỏ lỡ tin tức nổi bật
  • Cập nhật thông tin nghề nghiệp
  • Khám phá việc làm mới nhất
Newsletter

Các bài viết khác bạn có thể quan tâm

Bài viết liên quan mới nhất
Phỏng vấn
thg 10 25 2024

Phỏng vấn câu lạc bộ: Xem ngay 8 câu trả lời phỏng vấn hay

Trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn câu lạc bộ là cách duy nhất bạn cần làm. Trong bài viết này, Cake sẽ bật mí cho bạn các mẹo hay để bạn dễ dàng “win game” trong buổi phỏng vấn câu lạc bộ nhé!